Thời Gian Làm 8:00 - 20:00

hotline Tư Vấn Miễn Phí03.8558.1111

Thấu hiểu và tri ân

Tham vấn y khoa :

[ad_1]

Kinhtedothi – Trong tâm thức mỗi người dân Việt, luôn in hằn một niềm tri ân với các anh hùng liệt sĩ, các thương, bệnh binh, những người đã hiến dâng tuổi thanh xuân vì nền độc lập dân tộc.

Tinh thần ấy càng sáng rõ, khi ngay giữa thời bình vẫn có những chiến sĩ ngã xuống vì nhiệm vụ cao cả.
Lịch sử ghi lại biết bao chiến công dựng nước và giữ nước của dân tộc ta từ ngàn đời. Lịch sử lưu lại những khúc tráng ca về đất nước oằn mình trong lửa đạn, nhưng đã vươn mình lớn dậy. Thế hệ này tiếp nối thế hệ trước, những đoàn người ra trận, những người vợ, người mẹ nơi quê nhà lại cần lao chăm bón cho mùa màng bằng những giọt mồ hôi mặn mòi để chi viện cho tiền tuyến không chỉ nguồn lương thực, mà cả niềm hy vọng. Mỗi người đều tự thêu trên ngực mình đức tin về ngày thống nhất bình yên. Người vợ tiễn chồng thêu một lời hứa đợi. Con ra chiến trường, từ biệt mẹ thêu lòng kính hiếu vào tim.
Trong mạch chảy xúc động nghẹn ngào của dòng ký ức, đất nước luôn tự hào về đức hy sinh của muôn dân, những người sẵn sàng dâng con, dâng chồng cho Tổ quốc. Từng có một thế hệ các chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi sẵn sàng dấn bước, lao vào giữa mưa bom bão đạn bảo vệ mảnh đất thân yêu. Kể làm sao hết nỗi đau đã hằn in trên các gương mặt, đặc quánh như dòng nước mắt đã lặn vào trong, nơi những người phụ nữ bé nhỏ mà lòng yêu nước lớn lao. Có những Mẹ Việt Nam Anh hùng dâng cả chồng, rồi những đứa con yêu của mình. Đêm đêm mẹ vẫn trằn trọc đợi chờ, một đời khâu vá bên bức vách, bên ngọn đèn khuya leo lét. Xin các mẹ hãy an lòng, bởi sự hy sinh ấy là không vô ích. Sự hy sinh ấy, sẽ tiếp tục được khơi dậy mỗi khi đất nước cần, như là dòng máu nóng đã chảy trong huyết quản mỗi người. Khi đất nước cần, thì lòng tự hào và tự tôn lại dội về, thành muôn ngàn lớp sóng. Những thành quả, giá trị được kết tinh sẽ thắp thành ngọn lửa soi sáng cho mai sau…
Nhận thức sâu sắc những giá trị cội nguồn, sức mạnh của dân tộc quật cường, thương binh Lê Hữu Thảo, người có thời gian bảo vệ quần đảo Trường Sa, chiến đấu dưới làn mưa đạn đã thốt lên: “Công việc bảo vệ vững chắc vùng biển trời của Tổ quốc không hề ngơi nghỉ. Hơn 40 năm non sông thu về một mối, giá trị ấy chúng ta đều hiểu và trân trọng từng tấc đất, con sông. Nhiều đồng đội tôi hy sinh giữa thời bình và tôi tin vào lớp trẻ cũng sẽ sẵn sàng lắng nghe Tổ quốc gọi”.
Lời khẳng định cũng là tự răn mình, khơi dậy tinh thần hôm nay. Nơi biên cương màu áo xanh anh bộ đội biên phòng gìn giữ. Vùng biển trời anh hải quân đứng gác. Những hòn đảo, nhà giàn như những bông hoa trên sóng. Nguy nan luôn chực chờ. Những đoàn thuyền ra khơi, vẫn dành phút mặc niệm thiêng liêng, thắp nén nhang thơm dâng hương hồn những chiến sĩ giữa thời bình đã ngã xuống. Sóng cũng lặng trong phút giây mặc niệm. Và sóng ngân thành những khúc trường ca bất tử, khắc tên anh và đồng đội không về.
Dòng ký ức đầy đau thương và kiêu hãnh ấy luôn nhắc nhở tới công ơn lớp lớp cha ông, thế hệ đi trước đã đổ máu, hy sinh để có ngày hòa bình như hôm nay. Để từng dáng núi, con sông êm đềm chảy, từng mái nhà hạnh phúc ấm êm. Mới hôm nào gần nhất, có bậc cha mẹ mất con, có người vợ người con mất đi trụ cột. Các anh làm nhiệm vụ và ra đi quá đường đột, phía sau là con thơ, vợ trẻ khóc cạn nước mắt. Nỗi đau ấy lay thức hàng triệu trái tim đất Việt, nhắc nhở mỗi chúng ta không được phép lơi là, không được phép quên công lao của tổ tiên, của những người lính vẫn hằng ngày làm nhiệm vụ nơi biên cương, vùng hải đảo hay những nhiệm vụ đặc biệt. Nỗi đau cũng quặn thắt, thôi thúc trong ta lòng biết ơn những người có công bằng những việc làm cụ thể, chung tay kiến tạo tương lai.
Vâng, làm sao quên đặng những con người đã đánh đổi tuổi đôi mươi rất trẻ để góp phần làm nên lịch sử, làm nên tên nước tên non. Từ miền ngược tới miền xuôi, từ vùng đồng bằng tới miệt biển, nơi nào cũng có những tấm gương thương binh sáng ngời, anh dũng với cuộc chiến cơm áo, vực dậy kinh tế gia đình. Nhưng nhiều cựu chiến binh có cuộc sống còn quá đơn sơ, vất vả, không thể gượng lên bởi những vết thương trên ngực tấy nhức chẳng bao giờ lành hẳn.
Có người thương binh nhớ thương đồng đội, những tấm huân chương vít dáng lưng còng, bước chân tập tễnh, dù bận bịu lo toan cho cuộc sống hiện tại, vẫn gắng gỏi lên đường, kết nối từng dòng tin, lặn lội từng hẻm rừng để tìm kiếm hài cốt đồng đội. Anh nằm lại nơi đâu chẳng là đất nước mình, nhưng sẽ ấm êm hơn khi về nằm trong bóng của làng, của người vợ thảo hiền thờ chồng nuôi con. Lại có người cựu binh cố quên vết thương đang hành hạ mình, muốn sống thêm cả phần đồng đội, tích cực làm việc nghĩa giúp đồng đội đã hy sinh an lòng. Anh lặng lẽ lập doanh nghiệp, dạy nghề miễn phí cho con em cựu chiến binh nghèo, gia đình chính sách và bố trí việc làm cho các em với triết lý “Biết sống, biết hy sinh cho nhau, con người chúng ta sẽ làm lan truyền lòng nhân ái ở đời”. Và, thời gian cứ trôi đi và đất nước lớn thêm. Những con người thừa hưởng giá trị đã tích cực làm lan truyền giá trị, dựng xây các chương trình tri ân, lập quỹ từ thiện, trao đi yêu thương. Bao lớp người trẻ đã về thắp hương lên ngàn nấm mộ nơi nghĩa trang Trường Sơn, chia sẻ những nỗi đau mất mát của thân nhân liệt sĩ.
Nhiều năm qua, những chủ trương, chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước đã vun bồi những mùa quả ngọt, những đóa hoa thơm, hỗ trợ kịp thời với các gia đình chính sách, hôm qua và hôm nay. Chính sách soi rọi tới những gia đình, thân nhân liệt sĩ, người có công một cách đủ đầy. Dẫu biết như thế cũng chẳng thể nào bù đắp được những mất mát hy sinh. Nhưng ấy là nghĩa cử, là truyền thống uống nước nhớ nguồn, là đạo lý ngàn đời của dân tộc, là tình cảm, trách nhiệm của mỗi người được sống, hưởng nền hòa bình độc lập hôm nay.

[ad_2]

— Đăng bởi V —